Zing365.Xtgem.Com
Thế Giới Game Mobile Tải Miễn Phí
Zing365.xtgem.com
Thế giới của bạn
Những bà mẹ không muốn con lớn
Nhìn cô con gái 14 tuổi nở nang, xinh xắn, chị Hiền thèm sắm cho con những bộ đồ điệu đà, nữ tính nhưng lại không dám. Chị sợ hãi khi bắt gặp ánh nhìn đầy ham muốn của những người đàn ông vào đứa con tự kỷ của mình.Là một thành viên của Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ tại Hà Nội, chị Hiền tâm sự, nếu như các bà mẹ khác chỉ mong con lớn từng ngày và hạnh phúc khi con có dấu hiệu trưởng thành thì chị và những người cùng cảnh lại mang một tâm trạng hoàn toàn khác: thảng thốt.
"Đối với chúng tôi, việc can thiệp và dạy dỗ con khi còn nhỏ đã là rất gian khổ, nhưng dẫu sao chúng tôi vẫn còn kiểm soát được sự an toàn cho con. Nay con đã lớn, chúng tôi lại không... muốn điều đó vì chưa kịp chuẩn bị cho mình những hành trang bảo vệ con trước rất nhiều cạm bẫy như bị lạm dụng tình dục như bây giờ", chị Hiền chia sẻ.
Chị kể, khi phát hiện trên mặt con bắt đầu có những mụn trứng cá, cơ thể con nở nang, cân đối và chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, chị lo sợ hơn là vui mừng. Điều làm chị đau đầu nhất là những nguy cơ có thể rình rập con bất cứ lúc nào. Chị sợ hãi khi bắt gặp ánh mắt đầy ham muốn của những người - cả xa lạ, cả thân quen - nhìn con. Chị còn hoảng hốt hơn khi thấy con có vẻ thích thú khi bị mấy thanh niên xấu trêu chọc.
"Ngày xưa bằng tuổi con mẹ đã biết ngượng ngùng khi có máu dính quần, đã biết làm duyên, háo hức đọc những câu chuyện về trẻ mới lớn... Vậy mà con, không cần biết ngượng ngùng khi quần mình loang vết, không biết chải tóc cho thêm mượt, không biết chọn những quần chíp xinh xinh, những cái áo điệu đà làm dáng. Con cáu kỉnh bất thường, con không biết cần ý tứ ra sao, thích nằm ngồi tùy ý...", chị Hiền tâm sự.
Cùng chung tâm trạng lo sợ nơm nớp ấy là vợ chồng anh Đức (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) khi cậu con trai chậm phát triển trí tuệ dần lớn lên. Từ lúc con dậy thì, anh chị càng bối rối và đã bao phen phải ngượng ngùng vì con.
"Người con cao lớn, giọng cũng ồm ồm nhưng tính tình thì vẫn ngây ngây ngô ngô như đứa trẻ. Dù vậy, con cũng biết để ý đến người khác giới và cảm xúc bản năng đã thức dậy. Thấy có phụ nữ đến nhà, dù già, dù trẻ, con cũng sán lại gần, sờ tay sờ chân, vuốt má, ôm ấp... Bố mẹ xấu hổ bảo con ra ngoài thì một lúc sau con lại sấn tới, nhiều khi khiến những người khách phát sợ", anh Đức kể.
Không ít lần vợ chồng anh phải đỏ bừng mặt khi có người tới chơi mà cậu con trai hồn nhiên đứng ở góc nhà tụt quần, lấy tay mân mê bộ phận kín.
"Lúc con còn nhỏ thì vất vả lo cho con ăn, đôn đáo tìm trường gửi con học, bỏ công bỏ việc đưa đón, chăm sóc, mong con tiến bộ một chút là mừng rồi. Bây giờ, chẳng có trường, lớp nào nhận con nữa. Bố mẹ thì vẫn phải đi làm kiếm tiền lo cho con. Con ở nhà cả ngày, chẳng hoạt động gì nên năng lượng càng dồn vào bản năng", anh chia sẻ thêm.
Có lúc, vợ chồng anh Đức ao ước con cứ mãi bé như trước, dù hai vợ chồng vất vả hơn nhưng còn đỡ lo lắng hơn.
"Mới đây, đọc một mẩu chuyện trên báo, nói về một cậu bé bị chậm phát triển đã cưỡng hiếp một cô bé hàng xóm tới nhà chơi, hai vợ chồng mình sợ toát mồ hôi. Nhưng bây giờ cũng chẳng biết làm sao, chẳng lẽ lại nhốt con vào một chỗ, không cho gặp ai cả?", anh Đức nói.
Theo thạc sĩ tâm lý Đinh Đoàn, khác với những trẻ khuyết tật vận động hay câm, điếc... trẻ chậm phát triển trí tuệ mất khả năng tự chủ, là đối tượng khó khăn, vất vả nhất cho các phụ huynh không chỉ lúc còn nhỏ mà cả khi đã trưởng thành. Trừ những trẻ bị ở mức độ nhẹ, có thể hòa nhập cộng đồng, hầu hết các em này lớn lên phụ thuộc hoàn toàn vào người khác, không có vợ, chồng. Bởi thế, trăn trở lớn nhất của bố mẹ là họ không thể sống mãi vì con. Vấn đề về giới tính của con cũng khiến không ít phụ huynh mất ăn mất ngủ.
Nhà tâm lý cho biết, trong một buổi tập huấn giúp phụ huynh giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm hỗ trợ cha mẹ trẻ chậm phát triển trí tuệ gần đây, nhiều người đã bày tỏ những nỗi lo chính đáng như: Làm thế nào để dạy con giữ gìn vệ sinh “chỗ kín”? Hướng dẫn các em gái thay băng vệ sinh như thế nào? Có nên đình sản cho những em gái bị khuyết tật nặng để giảm thiểu những rủi ro? Làm thế nào khi cậu con trai cứ thích ôm ấp, cọ vào người khác hay thủ dâm lộ liễu? Làm sao để giúp các em tránh bị xâm hại tình dục khi chính các em lại “thích thứ đó”? Có nên cho các em khuyết tật lấy vợ, lấy chồng không?...
"Thật ra, giải đáp những vấn đề đó không đơn giản chút nào. Và đáng ra, bố mẹ phải nghĩ đến những điều này từ nhiều năm trước khi con bước vào tuổi dậy thì", nhà tâm lý chia sẻ.
Ông cho rằng, với trẻ chậm phát triển, dạy về giới tính, sức khỏe sinh sản cần phải theo kiểu "cầm tay chỉ việc", chứ không phải là nói, giải thích. Chẳng hạn, ngay khi trẻ nhỏ, khoảng 8-9 tuổi, bố có thể dạy con trai, mẹ dạy con gái về cách vệ sinh vùng kín bằng hướng dẫn trực tiếp, để trẻ nhìn bố, mẹ làm và bắt chước. Còn khi thấy con thủ dâm lộ liễu trước mặt nhiều người cần ngay lập tức đập tay, nói to rõ ràng con không được làm thế nữa, chứ không nên giải thích nhiều.
Để tránh việc trẻ bị xâm hại, từ lúc bé, bố mẹ cần bảo con không để ai ngoài bố mẹ hay một người thân thiết đáng tin được đụng vào người mình, nếu có thì phải hất tay ra, kêu to.
"Dù khó nhưng những việc này kiên trì vẫn có thể dạy được. Ngoài ra, không còn cách nào khác là gia đình luôn phải thay phiên nhau trông coi các em", ông Đoàn nói.
Về việc một số bà mẹ có ý cố gắng tìm chồng, vợ cho con (dù phải trao đổi bằng tài sản) hay để con sinh cháu mong sau này có người thay mình đỡ đần, chăm sóc con, chuyên gia cho rằng việc này hoàn toàn sai lầm.
"Vì tiền bạc hay thứ gì đó, có thể có người sẽ chấp nhận lấy con bạn nhưng chắc chắn quan hệ kiểu này khó bền. Hơn nữa, không như những dạng khuyết tật khác, khuyết tật trí tuệ thường có tỉ lệ di truyền lớn nên nếu sinh con có thể lại tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tốt nhất, hãy để dành cho con một tài khoản, giáo dục các anh chị em ruột của trẻ biết yêu thương, có trách nhiệm với người thân không may mắn của mình", nhà tâm lý chia sẻ.
Hiện nay, đa số các bậc phụ huynh có con chậm phát triển đều mong muốn có một nơi đáng tin cậy để họ có thể gửi gắm con cả đời, đảm bảo cho con được an toàn. Tuy nhiên, hiện tại, ở nước ta mới chỉ có các trường, tổ chức chăm sóc, hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ khi các em còn nhỏ, chứ không có nơi nào thực sự dành cho những người này khi họ đã trưởng thành.
Trở về
1
•1
•103
Zing365.Xtgem.Com 13/10/2012
TextI