Vợ chồng lục đục bởi sự bao bọc thái quá của họ hàng
Đau bụng chuyển dạ, chị Nhã vừa thay đồ nhập viện thì đã thấy hàng chục người, gồm mẹ, anh chị em và cả cháu chồng từ quê kéo ra, ngấp nghé ngoài phòng đẻ.
Nhiều người bảo mình không biết điều, người ta mong chẳng có, mình thì được nhà chồng quan tâm từng ly từng tí một mà còn kêu ca. Nhưng thật tình, nhiều khi mình phát mệt vì điều đó, thậm chí bị ốm, đau hay có việc gì phải cố giấu thật kỹ để không ai biết", chị Nhã, nhân viên kế toán một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội kể.
Chị cho biết, chồng chị có tới 5 anh chị em. Mọi người sống rất tình cảm, gắn bó và quan tâm nhiều nhất tới chồng chị vì anh là con trai út trong nhà. Vợ chồng chị Nhã công tác tại Hà Nội, trong khi các anh chị khác ở quê tại Hải Dương, nhưng chỉ cần nghe tin em trai, em dâu hay cháu bị ốm là họ kéo tới thăm hỏi, mang theo đủ thứ từ trứng gà, thuốc, hoa quả, gạo... đến. Thi thoảng, mọi người còn gửi theo ôtô lên cả gà, vịt, cá...
Cả hai lần chị Nhã sinh, anh em họ hàng quê chồng kéo tới hơn chục người, túc trực ngày đêm, khiến các bác sĩ, y tá cũng phải ngạc nhiên. Chị Nhã sinh xong, cả mẹ và chị chồng cũng bỏ hết công việc dưới quê, 4-5 người thay nhau ở nhà chị để lo cơm nước cho em dâu và chăm sóc cháu. Khi chị Nhã bị tắc sữa, người thì mua thuốc tây, người mua thuốc bắc rồi thức ăn mang về ép chị dùng bằng được.
"Mình mà mở miệng phàn nàn thì thể nào ông xã cũng mắng là 'ích kỷ', 'vô ơn' khiến hai đứa sinh cãi vã. Nhưng đúng là, nhiều lúc mình ước mọi người bớt quan tâm đi để chồng đừng quen thói dựa dẫm và bản thân mình thấy... dễ thở hơn", chị Nhã than thở.
Vợ chồng anh Quang (Yên Phong, Bắc Ninh) thì suýt gây gổ vì sự chăm sóc thái quá của bố mẹ vợ.
Anh Quang cho biết, thương con gái, lại lo cô từ nhỏ tới lớn chỉ học nên không biết quán xuyến việc gia đình, mẹ vợ anh hầu như ngày nào cũng sang hỏi han, giúp con chuẩn bị cơm nước. Có khi chủ nhật, vợ chồng trẻ muốn ngủ nướng cũng không được vì sáng sớm bà đã mang một đống đồ ăn sang cho các con rồi lao vào dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc.
"Nếu bà mà biết mình về nhà muộn hay đi nhậu say thì thể nào cũng có chuyện động trời. Bà gọi điện hỏi lý do, rồi sang tận nơi căn dặn 'con không được làm thế, con phải có trách nhiệm với gia đình, phải biết giữ gìn sức khỏe của bản thân để chăm lo cho vợ con... khiến mình cảm thấy mình như kẻ tội đồ", anh Quang kể.
Gần đây, khi biết vợ chồng anh cãi nhau chỉ vì một chuyện cỏn con, bà cũng tìm đến tận cơ quan gọi con rể ra nói chuyện, tìm cách giải quyết. Anh Quang xấu hổ với mọi người ở công ty nên gọi điện về trách móc vợ, thế là hai người từ giận dỗi nhỏ thành cãi nhau lớn.
"Thật ra mẹ vợ cũng chẳng làm gì quá đáng với mình, nhưng vẫn thấy bực và bức bối. Vợ chồng mình đều đã lớn rồi, có thể tự giải quyết được mọi việc. Mình tỏ thái độ thì lại hóa bất kính, mà cứ thế này mãi thật khó chịu", anh Quang nói.
Anh cho biết, đang tính chuyện chuyển nhà đi xa để thoát tầm ảnh hưởng của mẹ vợ.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Văn Thanh Sĩ, tổng đài tư vấn 1088 TP HCM cho biết, không ít người cảm thấy phiền phức và muốn thoát khỏi sự can thiệp thái quá của gia đình chồng, vợ tới cuộc sống riêng của mình. Tuy nhiên, nhà tâm lý cho rằng, trước khi muốn thực hiện điều này, cần đánh giá xem mục đích, nguyên nhân của sự can thiệp đó là gì.
Một số người vì không ưa nàng dâu, chàng rể nên muốn phá đám, chia rẽ, gây ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành động của người kia. Với những trường hợp này, người trong cuộc cần có phản ứng thẳng thắn, rằng mình không muốn như vậy và có thể khéo léo tìm cách ra ở riêng để tránh tầm kiểm soát của họ.
Thực tế, những trường hợp này rất ít. Đa số người thân quan tâm tới cuộc sống của đôi trẻ vì muốn giúp đỡ, vun đắp cho họ. Thường cha mẹ đều nghĩ con cái còn khờ dại, nên muốn dạy con, giúp con, dù có thể cách thể hiện chưa đúng. Có những trường hợp, vì thấy các con quá nhiều việc hay đang trục trặc với nhau mà người thân mới "xắn tay" vào giúp vì nghĩ điều đó sẽ tốt cho "bọn trẻ", nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp lại khiến mọi chuyện rối hơn.
"Hãy coi sự quan tâm thái quá hay không đúng cách của người thân như một món quà dành cho mình và ứng xử với nó như khi ta được nhận quà: Dù món quà đó không đúng cái mình thích, bạn cũng hãy chấp nhận và tỏ lòng cảm ơn chân thành đến người tặng", nhà tâm lý chia sẻ.
Ông cho rằng, ngay khi nhận ra sự quan tâm "có vấn đề" cần phải giải quyết ngay, bằng cách duy nhất là giao tiếp, tức phải biết ứng xử thế nào để làm đẹp lòng người "cho".
Chẳng hạn, khi vợ chồng đang cãi nhau, người nhà muốn thay bạn hòa giải thì bạn hãy thể hiện để người đó hiểu bạn biết họ có ý tốt cho mình, nhưng bạn có thể tự giải quyết được: "Chị tốt quá. Em biết chị muốn giúp em, nhưng lúc này em thấy rối quá nên chưa thể biết nên thế nào. Thôi, chị cứ để từ từ em lo chứ anh ấy mà biết em đi kể lể như vậy chắc sẽ không vui đâu"...
Nhà tâm lý Thanh Sĩ cho rằng, khi đối tượng nào đó phát ra tín hiệu yêu thương, bạn cũng nên phát lại tín hiệu là đã hiểu, chấp nhận, đồng thời mong họ để cho bạn tự lựa chọn cách sống, cách xử lý của mình. Đôi khi, những cử chỉ rất nhỏ như ôm, nắm tay, nhìn thẳng vào mắt người kia... sẽ mang lại nhiều hiệu quả lớn.
Bên cạnh việc "lựa lời mà nói", muốn vừa không làm mất lòng người thân, vừa giữ được quyền tự quyết, sự tự do của bản thân thì bạn cần biết "gói ghém" những chuyện riêng của bản thân, để mọi người không phải lo lắng cho bạn.
"Chẳng hạn, nếu hai vợ chồng mâu thuẫn, có thể đóng cửa phòng cãi nhau, hoặc hẹn nhau ra quán cà phê nói chuyện cho rõ, đừng phơi ra cho bố mẹ xem rồi sau đó lại khó chịu khi thấy mọi người góp ý, can thiệp vào. Khi thấy cuộc sống của bạn ổn và bạn có khả năng tự giải quyết các vấn đề, phụ huynh cũng sẽ tin tưởng và tôn trọng cuộc sống riêng của các bạn hơn", nhà tâm lý nói.
Trở về